Lịch sử Bưu điện Hà Nội

Tòa bưu điện giáp phố Chavassieux (nay là Lê Thạch) trước 1910.
Tòa bưu điện cũ hướng ra đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng).
Tòa bưu điện giáp phố Fourès (nay là phố Đinh Lễ).

Năm 1883, Nhà Nguyễn đã kí Hoà ước Quý Mùi, chấp nhận chế độ bảo hộ của thực dân Pháp.[3][4] Thời điểm này, dịch vụ bưu điện cùng những hoạt động trao đổi thư từ trở nên quan trọng với người Pháp trong việc khai thác thuộc địa,[5] vì vậy nhu cầu của chính quyền khi xây dựng các trung tâm bưu điện và hệ thống thông tin liên lạc ngày càng khẩn thiết.[1] Bản quy hoạch Hà Nội do Công sứ Pháp Bonnal đưa ra cùng năm đã bố trí hồ Gươm thành khu vực trung tâm, theo đó sớm quyết định Sở Bưu điện Hà Nội sẽ được xây tại đây.[4][6]

Là tòa nhà đầu tiên được xây dựng,[7] đã có những thông tin khác nhau về lịch sử của tòa bưu điện giáp phố Lê Thạch.

Theo nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến và tài liệu lịch sử từ VNPT Hà Nội, sau khi hòa ước được kí kết, người Pháp mới chỉ lập nên Bưu cục Hà Nội vào năm 1883 hoặc 1884 cùng với các bưu cục khác tại Nam Định, Bắc Ninh, Hưng Yên, Sơn TâyNinh Bình, đồng thời xóa bỏ hai dịch trạm ở Hà Trung (nay là phố Hà Trung, quận Hoàn Kiếm) và Hà Mai (nay thuộc quận Hoàng Mai).[8][9] Một số bản đồ trong giai đoạn này cho thấy tòa nhà bưu cục nằm bên cạnh khu vực chùa Báo Ân trên đại lộ Francis Garnier (nay là phố Đinh Tiên Hoàng) và ở phía Đông hồ Hoàn Kiếm, giáp với phố Chavassieux (nay là phố Lê Thạch).[10][11] Trong cuối năm 1884, Toàn quyền Pháp đã xây đường dây hữu tuyến dài gần 2.000 hoặc 4.000 km[8][9] nối từ Hà Nội vào Sài Gòn và đến năm 1888 hoàn thành, cuối năm 1888 hoặc 1889 thông suốt từ Hà Nội đến Vinh, Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn.[4][8][12] Công trình Tổng đài điện thoại Hà Nội cũng được xây dựng tại đây, với khởi đầu là 800 số.[8] Nhờ những cải tiến trong phương thức và hạ tầng thông tin liên lạc, đến năm 1889, Bưu cục Hà Nội đã có đầy đủ các hình thức hoạt động bưu chính và chuyển thành Bưu điện Hà Nội.[4][9]

Theo tài liệu từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam I và một số tờ báo khác, tòa nhà giáp phố Lê Thạch được xây dựng trong giai đoạn 1893 hoặc 1894 đến 1899 do kiến trúc sư Pháp Adolphe Bussy/Auguste Henri Vildieu (en) thiết kế.[7][13] Tòa nhà nằm bên cạnh Vườn hoa Paul Bert (nay là Vườn hoa Chí Linh) và giáp với phố Chavassieux (mặt giáp phố này sử dụng làm phòng thu cước phí[13]), theo đó ở bốn góc của khu vườn là bốn khu công thự gồm tòa Đốc lý (nay là trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội), Sở Ngân khố (nay là trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Phủ Thống sứ Bắc Kỳ (nay là Nhà khách Chính phủ) và Sở Bưu điện.[5][14][15]

Năm 1894 hoặc 1895, kiến trúc sư người Pháp Henri Vildieu đã đưa ra dự án xây dựng tòa hội sở mới Sở Bưu điện Hà Nội bên cạnh tòa bưu điện đầu tiên, có mặt chính hướng ra phía hồ Gươm, do ông làm thiết kế chính.[1][5] Dự án ngay sau đó được thi công và đến 1899 hoặc 1901 thì hoàn thành.[5][9] Trước đó, để lấy đất xây tòa bưu điện, vào năm 1888, chính quyền thuộc địa đã quyết định phá một phần/toàn bộ chùa Báo Ân[5][16] thay vì xây ở phía Nam.[4] Sau khi phá chùa Báo Ân, Pháp cũng cho xây con đường quanh hồ Hoàn Kiếm từ năm 1891 và đến giao thừa năm 1893 chính thức khánh thành.[16][17] Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh lại cho rằng đất của tòa nhà bưu điện từng là nơi xây tòa Đốc lý. Công trình bị bỏ dở nhiều năm dù đã làm xong phần móng và không được xây dựng tiếp; nhiều người khi đó nói rằng lý do của việc này là vì phong thủy vị trí khi bị cho là nằm ở "mồm của con rồng đen".[18]

Song song với việc mở rộng các hạng mục công trình khác, trong khoảng thời gian trên, chính quyền cũng đã đặt xây kho xưởng của bưu điện tại Voie 209 (nay là phố Lê Phụng Hiểu[19]), gồm hai dãy nhà cấp bốn lợp tôn.[12][20]

Năm 1902, sau khi Hà Nội trở thành Thủ đô của Liên bang Đông Dương, Bưu điện Hà Nội đã được chọn làm cột mốc số 0 khi người Pháp tính chiều dài từ Hà Nội đến Viêng ChănPhnôm Pênh.[4] Vào năm 1942 hoặc 1943, một toà nhà mới nằm ở góc đại lộ Francis Garnier và phố Fourès (nay là phố Đinh Lễ) đã được xây thêm, do kiến trúc sư Felix Godard/Henri Cerutti – Maori thiết kế.[5][7][13] Ban đầu, toà nhà được hoàn thiện để làm trụ sở Phòng Thương Mại và Nông nghiệp Hà Nội, tạo thành dãy công trình liên tiếp nằm dọc theo đại lộ, với mặt chính hướng ra phía hồ Hoàn Kiếm.[5][21] Nhưng theo một tài liệu tổng hợp bởi Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Việt Nam xuất bản tháng 11 năm 2016, tòa nhà của Phòng Thương Mại và Nông nghiệp đã được khởi công xây dựng trên đoạn giáp giữa đại lộ Francis Garnier và phố Fourès từ năm 1939 đến năm 1940, theo ký kết giữa Pierre Guillaume, Chủ tịch Phòng Thương mại và Nông nghiệp và nhà thầu Robert Joseph.[13]

Mở rộng và cải tạo

Tòa bưu điện giáp phố Chavassieux sau các đợt cải tạo và mở rộng từ năm 1910, chụp vào 1923.

Kể từ đầu thế kỷ 20, tòa nhà giáp phố Lê Thạch đã được mở rộng ba lần và có nhiều thay đổi so với thiết kế ban đầu. Trong lần mở rộng công trình vào năm 1910, một toà nhà mới đã được xây dựng và nối với toà nhà cũ, cao ba tầng, cùng với đó là việc sửa sang một số chi tiết của tòa, do nhà thầu Pées & Chazeau thực hiện.[1][5] Đến năm 1918, phòng bưu phẩm thuộc tòa nhà được xây dựng thêm, do nhà thầu Tran Ngoc Dien thi công và thiết kế bởi kiến trúc sư của Sở Nhà cửa dân sự. Năm 1921, tòa nhà tiếp tục được cải tạo và ông Aviat là người trúng thầu thực hiện, theo đó những cải tiến đáng chú ý có việc sửa đổi bổ sung chi tiết tại tầng trệt; mở rộng các khu phòng tại khu vực nhà tầng, xây dựng lại xưởng cơ khí, bộ phận truyền động và bàn tiện. Lý do chính cho những sự thay đổi này là vì nhu cầu sử dụng ngày càng lớn đã khiến cho tòa nhà trở nên chật chội. Công văn số 29-TC/O vào ngày 25 tháng 3 năm 1938 của Giám đốc Sở gửi Tổng thanh tra Công chính Đông Dương tại Hà Nội cũng giải thích việc cải tạo tòa nhà nhiều lần là do công trình đã xuất hiện những dấu hiệu thiếu đảm bảo an toàn.[5]

Trong khoảng thời gian này, Sở đã có chủ trương xây dựng kho xưởng và nhà ở làm việc của bưu điện trên đại lộ Félix Faure (nay là phố Trần Phú) thay cho công trình cũ để có điều kiện quản lý và mở rộng do phải đáp ứng việc liên lạc giữa Đông Dương và Pháp quốc khiến bưu điện đã sớm bị quá tải và thiếu nơi chứa hàng, phải để ở những nơi công cộng cũng như thuê nhiều nhà của tư nhân trong thành phố làm kho.[12][22] Khu đất để xây dựng kho xưởng mới là trên một thửa đất rộng 8.720 m2, giáp bốn mặt đại lộ Félix Faure, Brière de l’Isle (nay là đường Hùng Vương), Général Lebloie (nay là phố Lê Trực) và Duvillier (nay là phố Nguyễn Thái Học). Việc xây dựng kho xưởng đã được Sở Bưu điện đề xuất trong các báo cáo năm 1921 và trở thành một trong những công trình cấp thiết cần được thi công sớm. Kinh phí xây dựng của dự án đã được Hội đồng Tối cao phê duyệt hai lần vào các năm 1922 và 1923. Đến ngày 25 tháng 9 năm 1922, dự án được thông qua lần đầu, nhưng do giá nguyên vật liệu tăng nên việc thi công bị hoãn lại đến tháng 6 năm 1923 mới tổ chức bỏ thầu. Công trình khởi công vào cùng năm và đến năm 1927 mới hoàn thành,[22][23] là một kho xưởng được bao quanh bởi bốn dãy nhà hai tầng, với cổng chính hướng ra phố Trần Phú ngày nay.[12][23]

Hai công trình phụ khác gồm Nhà để ắc quy cùng Hầm chỉ huy và trung tâm báo động phòng không vườn hoa Chí Linh cũng được xây lại bên cạnh tòa nhà giáp phố Lê Thạch. Nhà để ắc quy đã được xây trong hai năm 1936–1937 bởi nhà thầu Lê Văn Can, thay thế cho nhà để cũ do lúc đó có nguy cơ sụp đổ và căn hầm tại vườn hoa Chí Linh là vào năm 1939 với tổng dự toán là 51.800 đồng bạc Đông Dương.[5]

Trong các năm từ 1970 đến 1978, tòa bưu điện trung tâm mới đã được xây dựng lại trên nền tòa nhà cũ bị dỡ bỏ, do Trung Quốc viện trợ[24][25] và khánh thành vào 12 giờ trưa ngày Quốc khánh Việt Nam năm 1978, trong đó chiếc cột đồng hồ xây cùng với công trình đã phát ra bài hát "Ca ngợi Hồ Chủ tịch" do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước sáng tác.[1][25][26] Đến năm 1997, biển chữ "Bưu điện Hà Nội" được lắp đặt phía dưới chân cột đồng hồ, hướng ra phía Bờ Hồ.[1][27]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bưu điện Hà Nội http://wikimapia.org/#y=6133258&x=%7B%7B%7B2%7D%7D... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://hanoimoi.com.vn/ban-in/1000_nam_thang_long/... http://hanoimoi.com.vn/ban-in/1000_nam_thang_long/... http://www.hanoimoi.com.vn/print/Doi-song/881418/n... http://vicco.com.vn/tin-tuc-tieu-bieu/kien-truc-ph... http://luutruquocgia1.org.vn/danh-muc-trien-lam/20... http://luutruquocgia1.org.vn/wp-content/uploads/20... https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/1198292... https://books.google.com/books?id=Zb1IAQAAIAAJ